Triển vọng từ dự án lâm nghiệp ở Tây Nguyên

Ảnh: Duy Lê

Dự án “Phát triển lâm nghiệp để cải thiện đời sống vùng Tây Nguyên” được triển khai thực hiện trong 4 năm qua đã mang lại những kết quả thiết thực; đặc biệt, cuộc sống của người dân trong vùng được nâng lên đáng kể. Theo kế hoạch, đến năm 2014, dự án này sẽ kết thúc. Sau 4 năm thực hiện, cho đến lúc này, mục tiêu của dự án “Phát triển lâm nghiệp để cải thiện đời sống vùng Tây Nguyên” vẫn không thay đổi: Giảm tỷ lệ hộ nghèo khu vực dân cư sống dựa vào rừng, tăng cường năng lực quản lý,  sử dụng rừng và đất rừng, phát triển trồng rừng có năng suất cao, trồng rừng phòng hộ; cùng với góp phần bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học là việc tăng thu nhập cho người dân sống gần rừng. Dự án này đã được Chính phủ phê duyệt vào giữa năm 2006 và sau đó được triển khai tại các tỉnh vùng Tây Nguyên gồm: Lâm Đồng, Đak Nông, Đak Lak, Gia Lai, Kon Tum và tỉnh Phú Yên với tổng nguồn vốn đầu tư là 83,98 triệu USD (trong đó, vốn vay ưu đãi ODA từ Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) chiếm 47,6%).

 

Theo đánh giá của lãnh đạo các tỉnh Tây Nguyên, việc thực hiện dự án cũng đã được triển khai đúng tiến độ và có tác động tích cực đến đời sống của nguời dân sống ven rừng, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số. Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, dự án phát triển lâm nghiệp để cải thiện đời sống vùng Tây Nguyên có 4 hợp phần, gồm: Phát triển và quản lý tài nguyên rừng bền vững, cải thiện sinh kế, xây dựng năng lực kỹ thuật đánh giá và quản lý dự án. Việc thực hiện các hợp phần được bố trí xen kẽ nhưng theo các cán bộ thuộc Ban Quản lý dự án của các tỉnh Tây Nguyên và tỉnh Phú Yên thì bắt đầu từ năm 2009, hợp phần “Cải thiện sinh kế” đã được chú trọng một cách đặc biệt vì nó có tính quyết định đến đời sống dân sinh vùng dự án được triển khai. 

 

Theo các văn bản mang tính pháp lý trong thực hiện dự án phát triển lâm nghiệp để cải thiện đời sống vùng Tây Nguyên, người dân tham gia vào dự án được hưởng khá nhiều nguồn lợi: Được hỗ trợ 7 USD/ha/năm cho công tác bảo vệ rừng, 15 USD/ha/năm cho công tác khoanh nuôi không trồng bổ sung và 200 USD/ha cho năm đầu nếu có trồng bổ sung đối với rừng phòng hộ. Đối với rừng trồng mới tập trung, được hỗ trợ bình quân 500 USD/ha, rừng sản xuất 500 USD cho rừng trồng cây mọc nhanh và 300 USD cho rừng trồng nông lâm kết hợp… Như vậy, sau năm 2010, việc hưởng lợi trực tiếp của người dân Tây Nguyên và tỉnh Phú Yên từ chương trình này đã bắt đầu được thể hiện. Hy vọng, đến lúc chấm dứt chương trình (2014), người dân của 5 tỉnh Tây Nguyên và tỉnh Phú Yên tiếp tục được hưởng lợi từ chương trình này!

 

Khắc Dũng

 

Gia Lai hiện có 936.270 ha đất lâm nghiệp, trong đó diện tích đất có rừng chiếm trên 741.463 ha. Trong tổng số diện tích đất có rừng, rừng tự nhiên chiếm trên 712.741 ha và trên 35.542 ha diện tích rừng trồng. Trong khoảng thời gian từ năm 1999 đến  năm 2010, Gia Lai đã trồng mới hơn 13.599 ha rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và 34.659 ha rừng sản xuất.

Văn Dũng

  TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA NGUYỄN NINH HẢI

Địa chỉ: Số 293/02 Phạm Văn Đồng - Thành phố Pleiku -tỉnh Gia Lai

Điện thoại: (059) 3717655; Mobil: 0905293925; Email: Nguyenninhhaipleiku@gmail.com